Trẻ biếng ăn cần bổ sung gì là bài toán làm đau đầu các bậc phụ huynh. Dưới đây là các nhóm chất bố mẹ cần lưu ý bổ sung ngay để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển toàn diện cho bé yêu.
Có thể bạn quan tâm: Cách trị trẻ biếng ăn
4 nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn mẹ nên biết
- Trẻ biếng ăn do bị ép buộc: Bố mẹ thường xuyên quát mắng, doạ nạt, bắt trẻ ăn hết toàn bộ khẩu phần hoặc những món mà trẻ không thích. Thói quen này khiến trẻ sợ thức ăn, coi việc ăn uống là một nghĩa vụ và thường tìm cách trốn tránh.
- Trẻ biếng ăn theo giai đoạn: Vào các giai đoạn như biết lẫy, biết bò, tập đi, biết nói…, trẻ có xu hướng biếng ăn do thay đổi sinh lý. Biếng ăn sinh lý sẽ qua nhanh chóng nên bố mẹ không cần quá lo lắng.
- Trẻ biếng ăn do bị bệnh: Khi mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hoá, mọc răng… trẻ thường mệt mỏi, đau nhức, khó chịu cũng có thể dẫn đến chán ăn.
- Trẻ biếng ăn do thói quen chăm sóc sai cách: Bố mẹ không “làm mới” thực đơn mỗi ngày, không đa dạng cách chế biến thực phẩm cũng sẽ khiến trẻ chán ăn. Bên cạnh đó, việc bố mẹ cho trẻ đi ăn rong, vừa ăn vừa xem tivi thường xuyên cũng làm trẻ mất tập trung và ăn ít hơn.
Trẻ biếng ăn gây ra những hậu quả nghiêm trọng gì?
Các bác sĩ dinh dưỡng khuyến cáo, trẻ biếng ăn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của trẻ.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng: Hệ quả dễ thấy nhất khi trẻ biếng ăn kéo dài đó là suy dinh dưỡng. Biểu hiện là bé thấp gầy, xanh xao hơn nhiều so với các bạn cùng lứa tuổi.
- Rối loạn tăng trưởng: Biếng ăn sẽ khiến bé không nạp đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, khi thiếu một số vitamin thiết yếu, trẻ sẽ không thể phát triển bình thường và gây ra một số vấn đề như: thiếu vitamin A làm khô mắt, khô giác mạc có thể dẫn đến mù lòa, thiếu vitamin B1 gây tê phù; thiếu sắt gây thiếu máu; thiếu vitamin D, canxi gây bệnh còi xương…
- Chậm phát triển trí não: Sự phát triển trí não của trẻ phụ thuộc khá nhiều vào dinh dưỡng. Khi ăn không đủ khẩu phần, trẻ sẽ bị thiếu các chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ như: Protein, Omega 3, Omega 6, DHA, Sắt, Taurin, chất béo…
- Suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị bệnh: Thiếu dưỡng chất sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh về tiêu hoá và hô hấp.
- Ảnh hưởng đến chỉ số cảm xúc: Trẻ biếng ăn, thiếu dinh dưỡng thường có chỉ số EQ thấp hơn, có xu hướng thụ động, lười giao tiếp và kém tập trung.
Xem thêm: Phân biệt các loại biếng ăn ở trẻ
Trẻ biếng ăn cần bổ sung gì?
Khi thấy con biếng ăn, cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở chuyên khoa dinh dưỡng để thăm khám và tìm ra nguyên nhân. Sau đây là một số chất mà trẻ biếng ăn thường bị thiếu:
1. Kẽm
- Tác dụng của kẽm đối với cơ thể: Kẽm rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất và tăng sinh tế bào. Kẽm còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, mau lành vết thương và hỗ trợ phát triển trí não cho trẻ. Ngoài ra, dưỡng chất này còn góp phần cải thiện thị lực, vị giác và khướu giác ở trẻ.
- Hậu quả khi thiếu kẽm: Trẻ thiếu kẽm sẽ ngày càng chán ăn, chậm tăng cân, dậy thì muộn. Đặc biệt, thiếu kẽm có thể gây ra tiêu chảy mạn tính, rụng tóc, lâu lành thương…
- Các thực phẩm giàu kẽm: Thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt gà; hàu, tôm hùm; một số loại đậu như đậu lăng, đậu xanh, đậu đỏ; các loại hạt và quả như hạnh nhân, óc chó, hạt điều…
2. Lysin
- Tác dụng của Lysin: Lysin là một axit amin thiết yếu giúp cơ thể tổng hợp protein, rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Lysin còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy sản sinh carnitine - chất xúc tác cho sự chuyển hóa axit béo thành năng lượng.
- Hậu quả khi thiếu hụt lysin: Thiếu hụt lysin, cơ thể trẻ sẽ mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, giảm cảm giác thèm ăn, chậm phát triển chiều cao, cân nặng.
- Thực phẩm giàu Lysin: Cơ thể không thể tự tổng hợp lysin. Vì thế, mẹ cần tăng cường bổ sung lysin cho trẻ từ các thực phẩm: thịt đỏ, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gà, đậu phụ, đậu nành…
3. Vitamin B
- Tác dụng của vitamin nhóm B: Vitamin nhóm B gồm B1, B2, B3, B12, đây là nhóm vitamin cần thiết để duy trì một cơ thể khoẻ mạnh. Vitamin B giúp cơ thể sản sinh năng lượng, chuyển hoá chất béo và protein. Ngoài ra, nó còn là vi chất quan trọng bảo vệ gan, da, tóc, mắt. Hệ thần kinh và não bộ cũng rất cần vitamin nhóm B để thực hiện tốt các chức năng.
- Hệ quả khi thiếu vitamin B: Trẻ thiếu vitamin B sẽ thường xuyên mệt mỏi, trẻ hay mất tập trung và dễ xúc động do não bộ không đủ năng lượng để duy trì ổn định.
- Thực phẩm giàu vitamin B: Chuối, thịt heo, trứng gà, các loại rau ăn lá có màu xanh đậm, măng tây, một số loại hạt như hạnh nhân, hạt điều...
4. Chất xơ
- Tác dụng của chất xơ: Chất xơ đóng vai trò rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ. Nó giúp cân bằng, phát triển lợi khuẩn, từ đó chuyển hóa thức ăn và tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ. Trẻ được bổ sung đủ chất xơ sẽ giúp làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, ngăn chặn các bệnh về tim mạch và tiểu đường ở tuổi vị thành niên.
- Khi thiếu chất xơ, trẻ dễ bị táo bón, đầy bụng, lượng cholesterol trong máu tăng cao.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Trái cây như chuối, mận, lê, cam, táo... các loại ngũ cốc nguyên cám, rau củ có màu xanh đậm, một số loại hạt.
5. Axit béo omega-3
- Tác dụng của Omega-3: Đây là chất hỗ trợ đắc lực cho quá trình trao đổi và tiếp nhận thông tin của não bộ. Trẻ được nạp đủ Omega-3 sẽ có tâm trạng ổn định và điều khiển cảm xúc tốt hơn.
- Khi thiếu Omega-3, não bộ của trẻ sẽ không thực hiện tốt các chức năng. Trẻ sẽ thường xuyên bị mất tập trung, gây khó khăn trong việc học tập và tiếp thu kiến thức.
- Nguồn thực phẩm giàu omega-3 gồm: Các loại cá, đặc biệt là cá biển như cá hồi, cá
- thu, rong biển, đậu nành...
6. Probiotic
- Tác dụng của Probiotic: Đây là chất bổ sung lợi khuẩn rất tốt cho trẻ, giúp cải thiện hệ tiêu hoá đường ruột.
- Trẻ thiếu Probiotic sẽ gặp phải các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, rối loạn tiêu hoá.
- Sữa chua là nguồn bổ sung Probiotic cho trẻ rất dồi dào.
7. Sắt
- Tác dụng của sắt: Sắt giúp cơ thể tạọ ra hemoglobin và hồng cầu.
- Khi thiếu sắt, cơ thể trẻ dễ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như khó thở, tăng nhịp tim, da tái, yếu đuối và dễ cáu gắt.
- Nguồn thực phẩm giàu sắt gồm: thịt bò, thịt heo, đậu phụ, hải sản như hàu, tôm, các loại rau ăn lá màu xanh như cải bó xôi, rau ngót, mồng tơi, ngũ cốc nguyên hạt…
8. Canxi và vitamin D
- Tác dụng của canxi và vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxin dễ dàng hơn. Canxi là chất khoáng rất cần thiết cho sự chắc khỏe của hệ cơ xương ở trẻ em.
- Trẻ biếng ăn thiếu canxi thường còi cọc, rất dễ gặp vấn đề về xương như loãng xương hay gãy xương.
- Nguồn thực phẩm giàu canxi gồm: Sữa, sữa chua, phô mai. Để bổ sung vitamin tự nhiên, mẹ nên cho trẻ tắm nắng thường xuyên vào sáng sớm.
Xem thêm: trẻ biếng ăn phải làm sao
Mẹ cần lưu ý gì khi bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ biếng ăn?
- Mẹ nên ưu tiên bổ sung khoáng chất và vitamin cho trẻ biếng ăn từ các thực phẩm tự nhiên, tươi mới.
- Trong trường hợp trẻ buộc phải bổ sung vitamin và khoáng chất từ dược phẩm thì mẹ cần tham khảo ý kiến của chuyên gia và cho trẻ sử dụng đúng liều lượng. Thiếu vitamin và khoáng chất gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu bổ sung thừa thì cũng để lại không ít hậu quả.
- Ngay cả khi trẻ đang được bổ sung vitamin và khoáng chất từ dược phẩm thì mẹ vẫn nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Chắc chắn những chia sẻ trên đây đã phần nào giải đáp được thắc mắc trẻ biếng ăn cần bổ sung gì cho các mẹ rồi. Thiết lập thực đơn đa dạng, trình bày các món ăn bắt mắt cũng là bí quyết giúp mẹ khắc phục tình trạng trẻ thiếu chất do biếng ăn kéo dài.