Cách trị trẻ biếng ăn khoa học là mẹ cần biết chính xác nguyên nhân vì sao bé biếng ăn. Từ
đó, áp dụng phương pháp phù hợp để bé ăn ngon trở lại. Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp mẹ
nhanh chóng giải thoát con khỏi chứng biếng ăn.
1. Nguyên nhân trẻ biếng ăn
1.1. Biếng ăn do nguyên nhân tâm lý
- Bố mẹ thường xuyên ép trẻ ăn: Bố mẹ có thói quen ép trẻ ăn bằng cách quát mắng, thậm chí là đánh trẻ nhằm buộc trẻ ăn hết phần ăn do bố mẹ định mức.
- Khi bị ép ăn vượt nhu cầu, trẻ dễ nôn ói, ngậm thức ăn và về lâu về dài sẽ coi việc ăn uống là bắt buộc chứ không còn thích thú nữa. Đột ngột thay đổi môi trường: Khi có những thay đổi đột ngột như bắt đầu đi học, đổi trường, thay đổi thực đơn, người khác cho ăn… trẻ sẽ thay đổi tâm trạng, buồn chán và ăn không ngon miệng.
1.2. Biếng ăn do cách chăm sóc chưa khoa học
- Cách chế biến thức ăn chưa bắt mắt, hấp dẫn hoặc thực đơn không đa dạng, món ăn lặp đi lặp lại quá thường xuyên.
- Giờ ăn không cố định, ăn bánh kẹo, quà vặt trước bữa ăn hoặc bữa phụ ăn quá nhiều. Tình trạng này khiến trẻ không bao giờ bị đói và biếng ăn trong bữa ăn chính.
- Cho trẻ vừa ăn vừa chơi khiến trẻ không tập trung vào bữa ăn. Thời gian ăn quá lâu làm trẻ không cảm nhận được thức ăn, gây hiện tượng ngang bung và ăn ít đi.
- Khẩu phần ăn cho trẻ chưa hợp lý: quá ít hoặc quá nhiều.
1.3 Biếng ăn do nguyên nhân bệnh lý
- Trẻ đang gặp phải một số vấn đề về hô hấp như viêm amidan, viêm tuyến nước bọt, nấm lưỡi, sưng lợi, mọc răng... Lúc này, trẻ sẽ bị đau khi nhai, nuốt dẫn tới sợ ăn.
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: Các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa như nôn chớ, táo bón, tiêu chảy, đau bụng... sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn co bóp, tăng tiết dịch dạ dày và làm loạn khuẩn đường ruột. Trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu dẫn đến biếng ăn, chậm phát triển.
- Nhiễm trùng: Hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt nên rất dễ bị mắc các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Khi trẻ bị nhiễm khuẩn, một lượng lớn khoáng chất và vitamin sẽ mất đi gây mệt mỏi, chán ăn, lười ăn. Ngoài ra, trong giai đoạn này, trẻ thường phải dùng kháng sinh để điều trị gây loạn khuẩn đường ruột, chướng bụng, khó tiêu và không muốn ăn uống.
- Trẻ cũng có thể bị biếng ăn do bị nhiễm giun, sán.
1.4 Biếng ăn do nguyên nhân sinh lý
- Trẻ bị thiếu chất từ khi còn trong bụng mẹ: Mẹ mang thai không bổ sung đầy đủ các chất như canxi, sắt, kẽm, một số loại vitamin cần thiết... sẽ khiến thai nhi bị thiếu chất và suy dinh dưỡng. Khi được sinh ra, trẻ sẽ có thể trạng yếu hơn và lười ăn hơn.
- Do thay đổi sinh lý: Trẻ thường biếng ăn khi bước vào các giai đoạn như biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng, học nói... Trong giai đoạn này, trẻ thường mải khám phá những khả năng mới của bản thân dẫn đến biếng ăn.
Xem thêm: nguyên nhân trẻ biếng ăn
2. Cách trị trẻ biếng ăn
2.1 Cách trị trẻ biếng ăn do nguyên nhân tâm lý
- Trẻ biếng ăn do tâm lý thường không dễ khắc phục. Bên cạnh việc áp dụng cái giải pháp trị biếng ăn, bố mẹ cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn và tôn trọng con hơn nhằm cải thiện trải nghiệm cho con khi ăn uống.
- Nguyên tắc đầu tiên mà bố mẹ cần ghi nhớ đó là không ép buộc, đánh mắng trẻ khi trẻ không muốn ăn. Nếu trẻ không chịu ăn ngay lúc đó thì mẹ có thể đợi đến lúc bé đói. Hoặc nếu bé chỉ thích ăn một số món nhất định thì mẹ có thể tiếp tục cho bé ăn món đó. Sau đó, từ từ bổ sung các món mới để bé có thời gian làm quen.
- Để thay đổi tâm lý ghét ăn của trẻ, bố mẹ có thể tìm cách tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn như kể một câu chuyện thú vị, khen ngợi trẻ hay hỏi ý kiến trẻ nhiều hơn nhằm làm giảm sự căng thẳng và xoa dịu thói quen phản kháng trước đây.
2.2 Cách trị trẻ biếng ăn do cách chăm sóc chưa khoa học
- Rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống đúng giờ, bữa ăn không kéo dài quá 30 phút
- Không cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn
- Không cho trẻ đi ăn rong, chơi đồ chơi hay xem tivi khi ăn
- Thay đổi thói quen chế biến thức ăn của mẹ: trang trí món ăn bắt mắt, nhiều màu sắc hơn, đa dạng cách chế biến để trẻ không cảm thấy nhàm chán.
2.3 Cách trị trẻ biếng ăn do sinh lý
- Biếng ăn sinh lý là điều tất yếu trong các giai đoạn phát triển của trẻ nên cha mẹ cần tìm hiểu xem có phải con mình đang gặp tình trạng biếng ăn sinh lý hay không. Nếu trẻ vẫn nô đùa, không bệnh, không mệt mỏi mà chỉ ăn ít đi thì bố mẹ không cần quá lo lắng. Biếng ăn theo giai đoạn sẽ diễn ra trong 1-2 tuần rồi trẻ sẽ trở về trạng thái bình thường. Nếu trẻ biếng ăn kéo dài hơn 3-4 tuần thì bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị.
- Bố mẹ có thể khắc phục tình trạng trẻ ăn ít bằng cách chia nhỏ khẩu phần ăn cho trẻ. Hoặc cho trẻ ăn những món ăn mà bé thích để bé hào hứng với bữa ăn hơn.
- Không ép buộc trẻ ăn quá mức vì có thể sẽ khiến trẻ sợ hãi, biến chuyển từ biếng ăn sinh lý thành biếng ăn tâm lý, rất khó khắc phục.
2.4 Cách trị trẻ biếng ăn do bệnh lý
- Bố mẹ cần chú trọng tới việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng hợp lý trong khẩu phần ăn hằng ngày để phục hồi thể lực và tăng sức đề kháng cho bé:
- Thiết lập khẩu phần ăn cho trẻ cần cân bằng 4 nhóm chất: đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Nếu trẻ đang phải điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, mẹ cần bổ sung cho trẻ đầy đủ vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C và các khoáng chất như magie, kẽm.
- Không nên quá lạm dụng kháng sinh sẽ dễ gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến bé bị chướng bụng và chán ăn.
- Giảm đau khi trẻ mọc răng bằng cách massage lợi cho bé bằng dụng cụ đã được làm sạch.
- Tạo không khí bữa ăn vui vẻ, thoải mái để trẻ ăn ngon miệng hơn.
3. 9 mẹo cực hay giúp con nhanh chóng thoát khỏi biếng ăn
Ngoài những cách trị trẻ biếng ăn trên, mẹ còn có thể áp dụng những tip nhỏ hữu ích dưới đây:
- Đa dạng thực đơn cho trẻ: Tạo thực đơn đa dạng với cách trình bày bắt mắt sẽ giúp trẻ hứng thú và chờ đợi bữa ăn hơn. Đồng thời, mẹ cũng nên đưa vào thực đơn ít nhất một món ăn con thích. Bố mẹ cũng đừng quên khen ngợi trẻ thật nhiều khi trẻ ăn các món ăn khác trên bàn.
- Đưa trẻ đi mua sắm thực phẩm cùng: Có thể mẹ không ngờ tới nhưng trẻ sẽ vô cùng hào hứng khi được tự tay lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn của mình. Mẹ cũng có thể cùng con đọc thành phần dinh dưỡng và giải thích cho con tác dụng của nó đối với sức khỏe. Khi đó, con hiểu và trân trọng thức ăn hơn.
- Khuyến khích trẻ tham gia vào việc lên thực đơn: Mẹ hãy chủ động gợi ý thực đơn và cho trẻ lựa chọn món ăn mà trẻ thích. Mẹ cũng nên giải thích tầm quan trọng của các nhóm thực phẩm trong bữa ăn để bé thấy việc ăn đa dạng là rất tốt cho cơ thể.
- Cho trẻ tham gia vào quá trình nấu nướng: Tùy vào độ tuổi của trẻ mà mẹ có thể phân công một vài việc đơn giản cho con. Bé sẽ cảm nhận được sự đóng góp của bản thân vào bữa ăn. Bố mẹ cũng đừng quên khen ngợi để trẻ cảm thấy được ghi nhận và hào hứng với bữa ăn hơn.
- Kết hợp thực phẩm mới với những thực phẩm quen thuộc: Mẹ đừng quá vội vàng trong việc áp dụng những thực đơn mới hoàn toàn cho trẻ. Mẹ nên thử nghiệm dần dần, từng bước một. Khi thấy con đã quen và thấy ngon miệng với những thực phẩm mới thì mẹ tiếp tục tăng phần ăn đó lên nhiều hơn.
- Hướng dẫn trẻ những điều cơ bản: Trong quá trình nấu nướng, mẹ nên giải thích cho con vì sao phải rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến, món này sơ chế ra sao, món kia nấu chín thế nào... Tất cả những điều nhỏ này sẽ giúp con làm quen với từng hoạt động cụ thể để tạo ra món ăn. Việc này cũng sẽ góp phần làm con thấy hào hứng và chờ đợi đồ ăn được dọn lên hơn.
- Cho trẻ tự tay trồng các loại rau củ: Nếu có điều kiện, hãy cho phép trẻ cùng trồng một loại rau củ gì đó trong vườn nhà hoặc trong một khoảng đất trống. Việc này sẽ giúp bé hiểu được quá trình phát triển của rau củ và không lãng phí thức ăn sau này.
- Cho trẻ sử dụng thức ăn tươi: Thay vì dùng các thực phẩm đóng hộp, mẹ hãy cho con sử dụng nhiều các loại rau củ tươi. Thức ăn tươi sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và hấp thu được nhiều dinh dưỡng hơn.
- Đưa con đi thăm nơi trực tiếp sản xuất ra các loại thực phẩm: Các trải nghiệm thực tế như đến thăm các cánh đồng lúa, nông trường bò sữa hay trang trại nuôi gia súc gia cầm sẽ giúp trẻ hiểu hơn về quy trình sản xuất thực phẩm hàng ngày. Bé sẽ thấy trân trọng những thực phẩm mình được ăn hàng ngày hơn.
Biếng ăn ở trẻ là một vấn đề phức tạp đòi hỏi bố mẹ phải thật kiên trì tìm hiểu và áp dụng hướng xử lý khoa học. Hy vọng, những gợi ý về cách trị trẻ biếng ăn đơn giản trên đây sẽ giúp mỗi bữa ăn không còn là nỗi ám ảnh với con và mẹ.