Nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ không chỉ xuất phát từ những thay đổi trong tâm, sinh lý trẻ, mà còn bắt nguồn từ cách chăm sóc con của bố mẹ. Hiểu rõ nguyên nhân vì sao trẻ biếng ăn sẽ giúp bố mẹ tìm ra cách khắc phục hợp lý.
Xem thêm: Món ngon cho bé biếng ăn
Nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ
Trẻ biếng ăn do thói quen xấu của cha mẹ
Thói quen cho con ăn của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ. Nếu cha mẹ đang mắc phải những thói quen này thì nên cố gắng thay đổi để khắc phục dần dần biếng ăn cho con:
Cho trẻ ăn quá lâu: Cha mẹ thường có thói quen để con ăn bao lâu cũng được, có khi đến vài tiếng đồng hồ mới xong một bữa. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, một bữa ăn của trẻ không nên kéo dài quá 30 phút. Nếu bé ăn quá lâu, mẹ nên dọn thức ăn của con đi và cho con ăn vào lúc khác.
- Cho trẻ ăn không đúng lúc: Cho con ăn quá nhiều bữa dẫn đến con không kịp đói và không hào hứng với thức ăn.
- Cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn: Một vài chiếc kẹo, một chiếc bánh nhỏ hay gói bim bim sẽ làm trẻ ngang dạ và biếng ăn trong bữa chính.
- Cho trẻ vừa ăn vừa chơi: Người lớn thường có thói quen cho con đi ăn rong, vừa ăn vừa chạy nhảy, xem tivi... Trẻ sẽ bị mất tập trung, xao nhãng khi ăn dẫn đến tiếp nhận thức ăn một cách thụ động. Cha mẹ nên rèn cho con thói quen ngồi vào ghế và chỉ tập trung ăn uống. Nếu trẻ đã có thể tự ăn thì cha mẹ nên cho con ngồi ăn cùng với gia đình để tạo không khí vui vẻ.
- Không đa dạng thực đơn cho con: Cuộc sống bận rộn khiến mẹ không có nhiều thời gian để đổi mới món ăn thường xuyên cũng là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ. Giống như người lớn, nếu phải ăn một món trong thời gian dài, trẻ sẽ thấy chán. Mẹ cố gắng dành thêm thời gian chế biến món ăn đa dạng, hợp với khẩu vị con để trẻ hứng thú với bữa ăn hơn nhé.
Trẻ biếng ăn do tâm lý
Biếng ăn tâm lý thường bắt nguồn từ việc trẻ thường xuyên bị người lớn quát nạt, ép ăn hết khẩu phần dù trẻ không muốn ăn nữa. Lâu dần, hành động này sẽ khiến trẻ sợ ăn, tìm cách trốn tránh, thậm chí là phản kháng.
Trẻ biếng ăn do sinh lý
- Trẻ biếng ăn do sinh lý là tình trạng trẻ biếng ăn do bước vào các giai đoạn chuyển giao giữa các giai đoạn như: từ bú mẹ hoàn toàn sang ăn dặm, biết lẫy, biết bò, tập đứng, tập đi, tập nói... Trong các giai đoạn này, trẻ thường mải khám phá những khả năng mới của cơ thể, đồng thời nghịch ngợm và hiếu động hơn dẫn đến xao nhãng việc ăn uống.
- Biếng ăn sinh lý thường không kéo dài, chỉ vài ngày hoặc 1-2 tuần là trẻ sẽ ăn uống ngon miệng trở lại.
Trẻ biếng ăn do bệnh lý
Biếng ăn do bệnh lý là tình trạng trẻ biếng ăn khi gặp một số vấn đề về sức khỏe như sốt, viêm họng, mọc răng, tiêu chảy... Cơ thể trẻ sẽ mệt mỏi và lười ăn hơn bình thường.
Hậu quả khi trẻ biếng ăn kéo dài
Trẻ biếng ăn kéo dài sẽ dẫn đến thiếu chất gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất cũng như trí tuệ của trẻ nhỏ.
- Suy dinh dưỡng: Hậu quả có thể thấy ngay khi trẻ biếng ăn kéo dài đó là trẻ không đáp ứng được chỉ số tăng trưởng theo chuẩn độ tuổi. Trẻ có thể trạng thấp bé, còi cọc hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa.
- Rối loạn tăng trưởng: Trẻ biếng ăn khiến cơ thể không hấp thu đủ chất dinh dưỡng. Trong đó, có một số chất chỉ cần 1 lượng nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ như: thiếu vitamin D dẫn đến thiếu canxi gây còi xương, rối loạn tăng trưởng; thiếu sắt gây thiếu máu; thiếu vitamin A gây khô mắt, khô giác mạc...
- Chậm phát triển trí não: Biếng ăn khiến trẻ mắc phải nguy cơ thiếu một hoặc nhiều chất tác động đến sự phát triển của não bộ như: Omega, DHA, Protein, Taurin... Khi thiếu các chất này, não bộ của trẻ sẽ hoạt động kém đi, dễ mất tập trung ảnh hưởng đến học tập và tiếp thu kiến thức.
- Suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị bệnh: Trẻ biếng ăn sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công. Trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp như: viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi…
- Ảnh hưởng đến chỉ số cảm xúc: Trẻ biếng ăn thường có chỉ số EQ thấp hơn so với trẻ ăn đủ khẩu phần dinh dưỡng. Trẻ thiếu chất có xu hướng thụ động, cáu gắt, khó hòa nhập… lâu dài có thể dẫn đến tự kỷ, học hành kém, mất tập trung và khó thành đạt.
Để giải quyết các nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ, cha mẹ hãy kiên trì cùng con tạo nên những thói quen tốt khi ăn. Tôn trọng sở thích của trẻ và tạo không khí thoải mái trong bữa ăn chính là chìa khóa giải quyết các vấn đề liên quan đến biếng ăn ở trẻ nhỏ.
- Không ép con ăn thêm nếu con đã ăn đủ no.
- Nếu muốn bổ sung món mới mà con chưa quen, hãy kiên trì mỗi bữa một chút để con làm quen dần dần.
- Tránh cho con vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hay đồ chơi.
- Tạo cho con tâm lý thoải mái trong bữa ăn, tránh quát mắng, ép buộc khiến trẻ sợ hãi.
- Không cho thuốc vào đồ ăn, đồ uống của trẻ.
- Thường xuyên thay đổi loại thực phẩm, cách chế biến, trình bày bắt mắt để trẻ hào hứng với bữa ăn hơn.
- Hạn chế cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn, không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong bữa phụ.
- Vào những ngày trẻ bị bệnh, mẹ nên cho trẻ ăn những món mà mà con thích nhất, tạo không khí thoải mái trong bữa ăn để bé thấy dễ chịu và thích thú hơn.
Lưu ý khi bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ biếng ăn
Trẻ thiếu chất do biếng ăn sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng như đã nêu ở trên. Cha mẹ nên đưa con đi khám để được bác sỹ dinh dưỡng tư vấn cách khắc phục kịp thời. Dưới đây là một số vấn đề mẹ cần lưu ý khi bổ sung vitamin cho trẻ biếng ăn.
Bổ sung vitamin cho trẻ biếng ăn thế nào là đúng?
Bổ sung vitamin và khoáng chất đúng với nhu cầu độ tuổi của trẻ, tuyệt đối không bổ sung quá liều cũng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Mẹ có thể tham khảo nhu cầu một số chất cần thiết cho trẻ theo độ tuổi trong bảng.
- Tìm hiểu các nhãn hiệu đáng tin cậy, chất lượng đã được kiểm tra bởi các cơ quan kiểm định dược phẩm, thực phẩm uy tín.
- Lựa chọn vitamin được sản xuất dành riêng cho trẻ em, phù hợp với độ tuổi, tránh dùng các sản phẩm dành cho người lớn.
Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp cha mẹ hiểu được tại sao trẻ biếng ăn và cách khắc phục tốt nhất cho con. Chúc mẹ nhanh chóng cùng con giải quyết tận gốc tình trạng biếng ăn. Và đừng quên, cách chăm sóc của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến bữa ăn của con đấy mẹ nhé!